Saturday, November 2, 2013

SAMURAI - BIỂU TƯỢNG VINH NHỤC

SAMURAI - BIỂU TƯỢNG VINH NHỤC

(Nước Nhật sẽ chẳng là gì nếu không có Samurai)

Hai kiếm, một dài một ngắn (katana & wakizashi), lấp ló ở thắt lưng, chiếc áo kimono phủ dài từ trên xuống, quần rộng thùng thình như váy, áo khoác ngắn, đỉnh đầu cạo nhẵn thín và hai bên tóc túm lại thành lọn, đi đến đâu thì mọi ánh mắt đổ dồn đến đấy, dân thường không được bất kính, nếu trái lệnh có thể bị chém đầu... Đó là những phác thảo về Samurai - tầng lớp cao cấp nhất Nhật Bản một thời. Hiếm khi thấy Samurai vội vã bởi chính phủ không yêu cầu họ làm việc. Người ta chỉ yêu cầu các Samurai luyện gươm để sắn sàng bảo vệ chế độ mỗi khi có biến.

Tính cách Samurai
Mỗi Samurai đều có sẵn trong dòng máu của mình tính quân tử và tinh thần thượng võ. Trước mỗi cuộc giao tranh, Samurai sẽ phi ngựa ra giữa trận tiền, xưng danh và liệt kê chi tiết công mà anh ta đạt được cho... đối thủ nghe (ghê chứa? ^^), ví dụ: "Ta là Kajiwara Heizo Kagetory, hậu duệ đời thứ 5 của dòng họ Gongoro Kagemasa ở Kamakura. Ta là chiến binh lừng danh có thể địch nổi muôn người. Năm 16 tuổi, ta đã bị một mũi tên bắn xuyên qua mũ sắt trúng vào mắt trái. Ta đã gan dạ nhổ mũi tên đó và ném trả lại kẻ thù trước khi kết liễu chúng" (trích trong một Thiên cổ sử). Sau khi hoàn thành màn chào hỏi, Samurai mới bắt đầu xông lên.
Danh dự của một Samurai được tính bằng số chiến lợi phẩm thu được sau trận chiến. Khi một trận đấu kết thúc, các chiến binh Samurai sẽ xưng công bằng thủ cấp của kẻ thù. Và họ sẽ được thưởng lại vàng, bạc, đất đai chiến lợi phẩm hay chức tước, bổng lộc. Công càng lớn càng được hưởng hiều và danh dự sẽ càng tăng. Samurai thua cuộc cũng có cách riêng để chứng tỏ danh dự của mình. Đó là seppuku - mổ bụng tự vẫn để xóa đi nỗi nhục chiến bại. Cách trừng phạt này đau đớn đến nỗi dần dần các Samurai phải tìm cho mình một cái chết êm ái và nhanh hơn, ví dụ: chém đầu.

Vũ khí chính của các Samurai là kiếm. Thanh dài có tên là Katana, thanh ngắn có tên là Wakizashi. Các chuyên gia đều cho rằng Katana là loại kiếm tốt nhất thế giới. Tiếc là bí quyết sản xuất chúng giờ đây đã thất truyền. Trong thế chiến II, quân đồng minh đã ra lệnh cấm sản xuất kiếm, tịch thu và phá hủy gần 5 triệu thanh kiếm Nhật. "Lính Mỹ rất sợ kiếm Samurai, hay nói chính xác hơn là sợ sự thần bí của nó. Khi những chiến binh Nhật Bản cầm kiếm thì đó chính là lúc họ đặt toàn bộ niềm tin và sinh mệnh của mình vào sức mạnh của nó." ông Michiro Tanobe, người phụ trách Bảo tàng kiếm Nhật Bản nói.. Phải miến cưỡng lắm ông mới cho tôi sờ vào một thanh kiếm Katana 600 năm tuổi. Giá trị của thanh kiếm này là 10 triệu Yên, tương đương với $85.000.

Chiếc kiếm thiêng liêng với một Samurai thế nào thì hình ảnh của một Samurai cũng thiêng liêng với nước Nhật như thế. Nét hấp dẫn vĩnh cửu của một Samurai bắt nguồn từ một sự thật rất đơn giản: đây là một trong những biểu tượng người hùng vĩ đại nhất thế giới, được thần thoại hóa trong hình ảnh một kiếm sĩ nhân danh bổ phận và danh dự chống lại sự tấn công của kẻ thù. Samurai là tổng hòa của một cao bồi, một hiệp sĩ, một đấu sĩ.

Từ nững năm tháng hoàng kim...
Lịch sử bắt đầu để ý tới Samurai vào thế kỉ thứ 10. Ban đầu, họ là lính riêng của vua và của các lãnh chú trên đất Phù Tang. Nhưng dần dà, Samurai (có nghĩa là người phục vụ) đã tạo thành một thế lực mới lấn lướt cả hoàng gia. Khi Samurai mở rộng ảnh hưởng quyền lực, các hoàng đế bị biến thành bù nhìn, mọi việc triều chính thực chất đều do những bàn tay võ biền của Samurai xếp đặt.
Tầng lớp này đã chi phối lịch sử Nhật Bản trong gần 700 năm, từ 1185 đến 1867. Nó bắt đầu bằng việc tướng quân Youritomo lên nắm quyền nhiếp chính sau khi chiến thắng cuộc "nội chiến Samurai". Và nó kết thúc khi hoàng đế trẻ tuổi Meiji cùng rất nhiểu Samurai cấp tiến đã quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ để đưa nước Nhật bước vào thời kỳ hiện đại.
Trong 700 năm đó, có một thế kỷ dài 20 phe cánh Samurai đã đầy nước Nhật vào cuộc "nồi da nấu thịt". Đầu chỉ thôi rơi, máu chỉ thôi đổ khi vị tướng tài Tokugawa Ieyasu đánh bại tất cả các đội quân Samurai để tái thống nhất Nhật Bản, mở ra một thời thịnh trịnh. Xuất thân binh nghiệp, trở thành Samurai can trường nhất, rồi lên ngôi vua, mở đầu cho một triều đại Tokugawa kéo dài 15 đời - Tokugawa đã gói gọn tinh thần, tính cách và số phận của Samurai qua cuộc đời mình.

Triều đại Tokugawa, khi ấy đóng đô tại Edo, đã chia dân số ra làm bốn tầng lớp: samurai, nông dân, nghệ nhân và thương gia. Các điều luật được đề ra để quy định mỗi tầng lớp được phép sống ở đâu, ăn mặc ra sao, kiếm tiền như thế nào và sử dụng vũ khí gì. Samurai, chiếm 6% dân số lúc đó, là tầng lớp cao quý nhất, được triều đình bao cấp toàn bộ. Nhiều người trong số họ đã trở thành những quí tộc nhàn rỗi, tách biệt khỏi tất cả những gì bị coi là hạ đẳng. Trong lâu đài của mình, họ dành một phần thời gian để tổ chức tọa đàm về nghệ thuật cùng các họa sĩ, học giả, kịch tác gia, một phần để xem kịch Noh. Thời gian còn lại, họ luyện chữ, cắm hoa, chơi đàn luýt, và đặc biệt là thưởng tà - loại hình giải trí thượng lưu mà họ mê đám nhất.

...Đến những phút giờ mạt vận
Nhung chính những triều vua Tokugawa yên bình đã làm tê liệt tham vọng của các Samurai. Đơn giản bởi Samurai không có chiến tranh như con chim không có bầu trời. Trong khi các Samurai vẫn giữ cho lưỡi gươm của mình luôn bén sắc thì khả năng chiến đấu của họ bắt đầu bị mài mòn. Họ trở nên trì trệ cả ở thể xác lẫn tinh thần. Khi nước Nhật đứng trước những làn sóng văn minh mới, tầng lớp được trong vọng nhât Nhật Bản bắt đầu phân cực. Một bên là những Samurai cấp tiến muốn phò minh quân mới, hoàng đế Meiji, để đưa Nhật Bản vào thời kì hiện đại. Một bên là những Samurai bảo thủ, chấp nhận mổ bụng tự sát cùng triều đại cũ Tokugawa.

Rất may là không có cuộc cội chiến nào xảy ra. Triều đại Tokugawa sụp đổ mà hầu như không hề đổ máu. Chính phủ Meiji mới, sau khi nắm ấn, đã quyết định xoá bỏ giai cấp phong kiến, tịch thu lâu đài, chấm dứt trợ cấp và cấm Samurai đeo gươm. Samurai bắt đầu phải đối mặt với thiếu thốn - điều họ chưa từng quen.
Rất nhiều Samurai nghèo khổ đã phải làm viên chức, võ sư, cảnh sát, kế toán. Đẩ có thêm thu nhập, họ sẵn sàng làm cả những việc chân tay như sản xuất ô, chuồng chim hay đồ gia dụng. Trong bô phim "Samurai thời mông muội", đạo diễn Yoji Yamada đã xây dựng một nhân vật Samurai phải vất vả bươn chải vì cuộc sống. Ông nói:"Tôi dã chán ngấy những bộ phim cường điệu về các anh hùng Samurai. Tôi muốn mọi người biết rằng, vào thời điểm cuối cùng, các Samurai cũng phải chịu đựng rất nhiều khó khăn. Một số thậm chí không có gì để ăn. Nhân vật chính của tôi đã phải bán gươm để chi trả cho đám ma của vợ."

Tinh thần Samurai bất diệt

Ngày nay, tinh thần Samurai vẫn chảy trong máu của người dân Nhật Bản. Hoài niệm về Samurai lý tưởng luôn bất diệt. Nếu không tin, hãy thử một lần đi xem kabuki - một loại kịch truyền thống của Nhật. Chủ đề chính của các vở kịch kabuki thường là đề cao danh dự, lòng trung thành, đức hy sinh và các chuẩn mực đạo đức của một chiến binh. Tâm hồn của Samurai thì sao? Tôi mang câu hỏi này đến Dajuro Ichikawa, một diễn viên đóng Samurai trong vở kịch mang tên Gongoro. "Qua vai diễn của mình tôi phải mang đến cho khán giả cái cảm giác rằng các chiến binh có ý thức về cuộc sống và cái chết khác với chúng ta, rằng anh ta sẽ chọn cái chết nếu danh dự của anh ta bị nghi ngờ. Nhiệm vụ của tôi là làm cho khán giả tin rằng vẫn tồn tại những tâm hồn như thế."

Nếu bạn đi dạo vòng quanh các thành phố hay thị trấn của Nhật, bạn sẽ nhìn thấy hình ảnh những chiến binh Samurai kiêu kì ngạo mạn ở khắp mọi nơi. Khuôn mặt và khí của họ xuất hiện trên poster của các bột phim hành động, trên biển báo cấm lái xe khi say ruợu, trên băng rôn các bảo tàng , trên bìa sách, giá bày đồ chơi. Trong ngày lễ Thiếu nhi 5/5, các gia đình thường mua tặng đồ chơi Samurai như áo giáp, mũ bảo hiểm, gươm giáo để cầu chúc sức khỏe và sự cường tráng cho các em bé, đặc biệt là các bé trai.

Tuy không còn nhưng Samurai vẫn để lại rất nhiều dấu ấn của mình trong đời sống Nhật Bản.Cuốn sách "Người Samurai cuối cùng" (The last Samurai) không chỉ đem lại doanh thu khổng lồ mà còn được dựng thành phim; Bushido, một điều luật của Samurai, đã được nâng lên và đưa vào chương trình giảng dạy quân sự; hàng triệu học sinh Nhật vẫn đang ngày ngày luyện kiếm (kendo), cung (archery) giống như các Samurai xưa, nhưng không phải để bảo vệ vua, mà là để rèn luyện thể chất. Tất cả những điều đó chứng tỏ một sự thật rằng Samurai vẫn sống, và hình ảnh của họ không thể dập tắt.

Nhật Bản vừa kỷ niệm 400 năm bắt đầu của thời kỳ Edo, thời kỳ Samurai đạt tới đỉnh cao của quyền lực và các đặc ân. Đối với người dân Nhật, Samurai đang yên nghỉ trong hoà bình. Thời kỳ của Samurai đã đến và đã đi qua, như những bông hoa anh đào đã nở rộ và héo tàn. Xin kết thúc bài viết bằng dòng mở đầu của Heike Monogatari, một truyền thuyết về chiến tranh Samurai thế kỷ 13: "Những gì huy hoàng không bao giờ tồn tại mãi nhưng sẽ như giấc mơ trong một buổi tối mùa thu. Sự hùng mạnh sẽ tàn lụi, chỉ như hạt cát sau cơn gió"......

No comments:

Post a Comment