Saturday, November 2, 2013

Chutzpah Do Thái

Theo bản mô tả của học giả người Do Thái Leo Rosten bằng tiếng Yiddish, thứ ngôn ngữ Slavơ của người Đức đã thất truyền từ lâu, “chutzpah” có nghĩa là “táo bạo, gai góc, trắng trợn, thần kinh, vô liêm sỉ mà không ngôn từ nào có thể miêu tả chính xác”.

Người nước ngoài sẽ chứng kiến sự cả gan này ở bất kỳ đâu trên đất Israel: trong cách các sinh viên đại học nói chuyện với giảng viên, nhân viên thách thức ông chủ, binh lính chất vấn sĩ quan chỉ huy và thư ký sửa lưng các bộ trưởng chính phủ. Ai mới đến Israel sẽ thấy người bản xứ thật thô lỗ. Người Israel sẽ không ngại ngần hỏi bạn bao nhiêu tuổi hay khoe căn nhà họ ở và xe họ đi giá bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, đối với người Israel, đây không phải là sự cả gan mà là điều hết sức bình thường. Người Israel học được rằng sự trầm lặng sẽ có nguy cơ bị tụt hậu, dù là ở nhà riêng, trên giảng đường hay trong quân đội.

Điều này đặc biệt rõ trong cách người Israel gọi tên nhau. Jon Medved, một nhà đầu tư mạo hiểm và là doanh nhân người Israel, nói: “Bạn có thể hiểu được nhiều về bản chất một xã hội thông qua cách người dân gọi tên giới lãnh đạo của họ. Israel là nước duy nhất trên thế giới mà mọi nhân vật nắm quyền - bao gồm cả thủ tướng và các tướng lĩnh trong quân đội - đều được mọi người, kể cả dân chúng, gọi bằng biệt hiệu”. Cụ thể, biệt danh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Ariel Sharon lần lượt là “Bibi” và “Arik”. Vị tham mưu trưởng trong quân đội Israel gần đây là Moshe Levi sở hữu biệt danh “Moshe VeHetzi”, nghĩa là Moshe-và-một-nửa, do ông này cao đến 1,98m.

Thái độ và sự thân mật của người Israel còn được bắt nguồn từ nền văn hóa khoan dung mà người Israel gọi là “thất bại có tính xây dựng” hay “thất bại thông minh”. Giới đầu tư Israel tin rằng nếu không thông cảm với hàng loạt những thất bại này thì sẽ khó lòng đạt được sự đổi mới thật sự. Thật vậy, một nghiên cứu vào năm 2006 của Đại học Harvard cho thấy những doanh nhân từng thất bại sẽ có cơ may thành công cao hơn 20% ở lần khởi nghiệp tiếp theo của họ. Đây là tỉ lệ cao hơn so với những người khởi nghiệp lần đầu và không quá thua kém so với những doanh nhân từng đạt được thành công trước đó. Israel được xem là môi trường tốt nhất Trung Đông - và là một trong những nơi tốt nhất thế giới - để mở một công ty mới, kể cả khi doanh nghiệp cũ của bạn bị phá sản. Điều này còn có thể hiểu rằng người Israel luôn không ngừng nỗ lực tìm kiếm cơ hội mới.

Shmuel Eden - người từng phụ trách Intel ở Israel đạt kim ngạch xuất khẩu hằng năm lên tới 1,53 tỉ đôla - đúc rút kinh nghiệm: “Tôi có thể khẳng định điều độc đáo nhất của Israel là nền văn hóa. Người dân Israel không có văn hóa quá kỷ luật. Từ thuở sơ khai, chúng tôi đã được dạy phải luôn nghi ngờ cái có sẵn, phải luôn đặt câu hỏi, tranh luận về mọi vấn đề và phải luôn sáng tạo”. Cuối cùng, ông kết luận: “Quản lý năm nhân viên người Israel luôn khó khăn hơn 50 người Mỹ. Vì người Israel luôn thử thách bạn mọi lúc - bắt đầu bằng những câu hỏi như: Tại sao ông là sếp của tôi, tại sao tôi không phải sếp của ông?”.

DAN SENOR - SAUL SINGER

(TRÍ VƯƠNG dịch)

No comments:

Post a Comment